"Tuan le vang "greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Về luận điệu mới của CSVN trong chính sách dụ dổ Việt kiềuNhắm mắt trước quá khứ, là mù loà trước hiện tại
Ngay cả hồi xưa, lúc ông Nguyễn Cao Kỳ được Mỹ bế tọt lên cho ngồi vào chiếc ghế thủ tướng chính quyền Sài Gòn trong thời buổi đảo chính liên miên giữa thập niên 60, việc suy nghĩ đã không phải là sở trường của ông. Lúc bấy giờ ông mới 35 tuổi. Ngày nay, với tuổi đời trên 70, việc suy nghĩ vẫn không phải là sở trường của ông. Những tuyên bố bừa bãi của ông trong chuyến về ăn Tết vừa qua tại Việt Nam cho thấy điều đó.
Trong dịp này, ông Kỳ đã lập đi lập lại một điều mà nhà cầm quyền Hà Nội rất muốn nghe là „nên khép lại quá khứ lịch sử“ để (gởi tiền về) xây dựng đất nước. Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (một cơ quan ngoại vi của ĐCSVN) cũng đã hô hào như vậy trong buổi gặp gỡ với ông Kỳ. Trong chuyến du thuyết tại Mỹ của phái đoàn Nguyễn Đình Bin hồi tháng 6 năm ngoái, Thứ trưởng ngoại giao Hà Nội cũng đã từng kêu gọi tương tự sau khi rao hàng cho cái gọi là „chính sách đại đoàn kết dân tộc“ của ĐCS.
Câu hỏi thứ nhất là có nên „khép lại quá khứ lịch sử“ hay không?
Câu trả lời nghiêm túc là không. Không nên đóng lại cánh cửa lịch sử cận đại, chỉ vì nó bao chứa những điều bất công, bất nhẫn, đau lòng. Không thể làm như kiểu quét rác rưởi trong nhà rồi lùa xuống thảm che đậy cho xong việc. Việc làm thiếu văn hoá này sẽ không hàn gắn được các đổ vỡ, mà trái lại sẽ nuôi dưỡng những xung đột nung nấu giữa các thành phần dân tộc qua nhiều thế hệ. Quá khứ quá còn sống động trên cơ thể của từng người Việt Nam -dù 80 triệu người trong nước hay 2,8 triệu người hải ngoại- quá khứ này không thể khép lại là xong: Bao nhiêu người dân Việt đã bị giết man rợ và bị đoạ đày vô tận trong những chính sách cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở, „vụ án xét lại chống đảng“, bao nhiêu triệu thanh niên miền Bắc đã hi sinh tính mạng và tuổi xuân của mình trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, để ngày nay những người sống sót ngồi nhận ra rằng tất cả những hi sinh của mình chỉ để xây dựng ngai vàng cho một tầng lớp tham quan ô lại thối nát.
Chỉ mới cách đây mấy ngày, ông Trần Ðại Sơn, một đảng viên CS lão thành với 57 tuổi đảng, đã tường trình lại trong bài „Tổ quốc trên hết“ rằng ông „Mai Chí Thọ gần 70 tuổi Ðảng (đã) nói rõ gia đình Chủ tịch nước Trần Ðức Lương mua đất xây dựng biệt thự, con Thủ tướng Phan Văn Khải che “ô dù” làm ăn lớn... Nhà trí thức Vũ Ðại vạch trường hợp Nguyễn Văn An (chủ tịch Quốc hội) khi mẹ chết hơn 60 ôtô con về phúng viếng, phong bao sau khi rút ruột thả trôi đầy sông, nhân dân Nam Ðịnh đều biết rõ“. Đứng bên cạnh các tay đại tư bản đỏ vô lương này, thì những „địa chủ“ bị đấu tố và giết chết man rợ năm xưa thật không đáng xách dép nếu so về số tiền vơ vét của nhân dân.
Còn 3 triệu người Việt hải ngoại -mà nhà cầm quyền Hà Nội chủ yếu muốn qua cái loa Nguyễn Cao Kỳ để chiêu dụ một cách rẻ tiền- cộng đồng đó có nên quên đi quá khứ không? Pulau Bidong, Palawan, hàng rào kẽm gai Thái Lan, song sắt Hồng Kông, hay Bức tường Bá Linh, biên giới Đức-Tiệp,… Ai còn nhớ, hay ai đã quên? Có thể đôi khi chúng ta cũng quên bẵng đi nguyên nhân vì sao ngày hôm nay chúng ta lại có mặt ở khắp các nẻo đường thế giới. Nhưng chỉ cần một lời nói nào đó, một kỉ vật xa xưa, một bài hát từng nghe trên đảo, một thiếu vắng trong gia đình buổi sum họp, sẽ làm đau nhức trở lại vết thương chưa lành của việc bỏ người thân, tài sản, mồ mả tổ tiên, ra đi vì không thể chấp nhận được một chính quyền hà khắc, cam chịu những khổ đau cùng tận và mất mát vô lường do biển cả, hải tặc và công an Việt Nam hay công an „nước bạn“ gây nên. Và trễ nhất là khi các đứa con của chúng ta dần dần khôn lớn, đi học về hỏi cha mẹ chúng vì sao không chịu sống trên quê hương Việt Nam ấm áp mà lại nhọc nhằn đi lập nghiệp ở những phương trời xa lạ, tuyết giá như thế này, thì trễ nhất lúc đó chúng ta phải mở lại „quá khứ lịch sử“ để giải thích, biện minh cho hiện tại.
Cho nên, ai nhắm mắt trước quá khứ, thì sẽ bị mù trước hiện tại. Và sẽ bị loà luôn, khi muốn tìm hướng đi cho tương lai.
Câu hỏi thứ hai là -nếu không nên „khép lại quá khứ lịch sử“ một cách vung vít qua loa- thì người ta phải giải quyết cái quá khứ có nhiều đổ vỡ của chúng ta như thế nào?
Đây là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp cho mọi thành phần của dân tộc Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng vai trò chính trong công tác này phải nằm trong tay người cầm quyền.
Trong việc này chúng ta có thể học hỏi rất nhiều ở những dân tộc khác trên thế giới, cũng có quá khứ lịch sử sôi động, bi tráng, hay những phân hoá xã hội sâu đậm, không thua gì trường hợp nước ta. Đối với gần 200.000 người Việt đang sinh sống tại CHLB Đức, ai quan tâm theo dõi, sẽ thấy chính quyền Đức từ nửa thế kỉ qua, dù đảng nào lên cầm quyền cũng vậy, đều quan tâm đặc biệt đến việc mà người Đức gọi là „Vergangenheitsbewaeltigung“, một từ khó đọc với chúng ta, mà người viết xin tạm dịch là suy nghiệm và vượt qua quá khứ. Mỗi năm vào các dịp 8 tháng Năm (kỉ niệm ngày chấm dứt Thế chiến thứ II, chấm dứt chế độ Đức Quốc Xã của Hitler 8-5-1945), hay 17 tháng Sáu (kỉ niệm cuộc nổi dậy của dân chúng Đông Đức trong vùng chiếm đóng của Liên Xô 17-6-1956) hoặc 3 tháng Mười (ngày thống nhất hai miền nước Đức sau cuộc cách mạng ôn hoà của nhân dân Đông Đức 3-10-1990), các nhà chính trị, đại diện tôn giáo, các nhà văn, nhà báo, các sử gia, các cơ quan truyền thông đều lên tiếng về các sai lầm trong lịch sử, về các tội ác đối với con người mà các chính quyền độc tài từ Hitler đến Honecker đã gây ra cho người Do Thái, cho những người khác chính kiến cũng như cho toàn thể nhân dân Đức. Các trường trung học có những chương trình kéo nhiều ngày để các học sinh học tập về các đề tài lịch sử và tích cực đóng góp bằng những dự án tập thể (gọi là Projekttage). Các nhóm thiện nguyện trẻ của Đức được khuyến khích qua Nga hay Ba Lan để chăm sóc nghĩa trang lính Đức cũng như mộ của lính Nga hay Ba Lan.
Trong cuộc sống thường nhật, chính quyền Đức luôn luôn cảnh giác đối với các biểu hiện cực đoan hữu khuynh, các biểu trưng Nazi. Các lời lẽ bài xích Do Thái hay bài ngoại đều bị nghiêm cấm, các từ của Quốc xã đều không được dùng. Khi đi xin bảng số xe ô tô, bạn sẽ bị cấm dùng hai chữ SS (viết tắt từ Schutzstaffel, thời Đức Quốc xã, là lực lượng mật vụ ác ôn, từng thủ tiêu biết bao nhiêu người đối lập). Và không đâu xa xôi, mới đầu tháng 11/2003 vừa qua, dân biểu Martin Hohmann của đảng bảo thủ lớn CDU đã bị tước đảng tịch cũng như bị tống xuất khỏi khối dân biểu CDU trong Hạ viện Đức, sau khi Hohmann có ý bài bác người Do Thái trong một bài diễn văn. Một tướng lãnh hàng đầu của Đức, ông Reinhard Guenzel, tư lệnh binh chủng tinh nhuệ KSK (Kommando Spezialkraefte) của quân đội Đức, cũng bị chớp nhoáng bay chức, sau khi ông ta viết thư ủng hộ lập trường của Hohmann.
Riêng đối với các quan chức CS Đông Đức cũ, nền tư pháp của nước Đức thống nhất không hề có một vụ án chính trị, mà chỉ đem ra xét xử những người có đơn tố cáo, nhất là trong trách nhiệm sát hại những người vượt biên tìm tự do trong 40 năm qua. Tổng bí thư cuối cùng của ĐCS Đông Đức Egon Krenz đã bị tuyên án 6 năm tù vì chịu trách nhiệm ra lệnh sát hại 4 người Đông Đức tìm tự do. Krenz đã vào tù năm 1999 thụ án, nhưng sau khi ngồi tù quá một nửa thời gian, Krenz đã được ân xá trước Giáng Sinh năm ngoái, mặc dù nhiều tổ chức dân quyền Đông Đức cũ lên tiếng phản đối ầm ĩ. Còn các công chức và cán bộ trong guồng máy CS Đông Đức cũ, tất cả những ai có giấy tờ chứng minh đầy đủ, đều được hưởng lương hưu như mọi người dân bình thường khác.
Nhìn ra khỏi biên giới nước Đức, một tấm gương sáng về chủ trương suy nghiệm các bài học quá khứ và tích cực vượt qua các phân hoá nghiêm trọng trong xã hội là Nam Phi. Ngay sau khi được trả tự do tháng 2/90, lãnh tụ đối lập Nelson Mandela đã thương thảo với Thủ tướng De Klerk về những bước cụ thể để đưa đất nước từ chỗ phân hoá cùng cực, kì thị chủng tộc gay gắt qua một quốc gia đại đoàn kết, từ tình trạng mạnh sống mống chết qua một xã hội tương thân tương trợ, đồng tiến. Cả hai đều đã đồng ý là phải tìm những phương thức cụ thể để nhất định „xây dựng nhịp cầu giữa một quá khứ với hận thù chất ngất và bất công tột bực và một tương lai dựa trên sự tôn trọng nhân quyền, dân chủ, sống chung hoà bình và công bằng xã hội“.
Kết quả là sự ra đời trong năm 1995 của một uỷ ban độc lập, mang tên là „Uỷ ban Sự thật và Hoà giải“ (Truth and Reconciliation Committee, do Tổng Giám mục Desmond Tutu làm chủ tịch) với 3 tiểu ban có trách vụ rất rõ ràng là: Tiểu ban Nhân quyền, tiểu ban Bồi thường và Phục hồi và tiểu ban Ân xá. Tuy có gặp vô vàn trở ngại ban đầu do các tồn đọng của lịch sử, Uỷ ban Sự thật và Hoà giải của Nam Phi đã làm việc rất sáng tạo, uyển chuyển và trong suốt. Các cuộc thẩm vấn 21.000 nạn nhân của chế độ Apartheid đã được công chúng quan tâm theo dõi và hết sức đồng tình. Uỷ ban đã làm việc ròng rã 8 năm trời, điều tra các hành vi sai trái, áp bức, hay thủ tiêu ám sát trong chế độ kì thị chủng tộc Apartheid, giải quyết các xung đột xã hội bằng phương thức hoà bình, góp phần xây dựng một xã hội hoà giải, xoá bỏ bất công, trong đó mọi công dân chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, nâng đỡ các thành phần nghèo yếu. Bản tường trình tổng kết được Uỷ ban Sự thật và Hoà giải trao lại cho Tổng thống đương nhiệm là ông Mbeki trong năm 2003.
Trong cả hai trường hợp điển hình về suy nghiệm và vượt qua quá khứ, vai trò chủ chốt vẫn nằm ở những người lãnh đạo chính quyền Đức và Nam Phi. Họ đã nhận thấy nguy cơ vô cùng tai hại của một xã hội phân hoá và muốn dùng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để đưa đất nước đi lên. Và họ đã giáo dục dân chúng học hỏi quá khứ lịch sử một cách thành khẩn và trong sáng, rồi tìm ra những bước đi cụ thể, giải quyết các bất công, hàn gắn các vết thương để mọi thành phần dân tộc tham gia xây dựng tương lai chung.
Còn tại nước ta? Rất tiếc, cho tới nay nhóm lãnh đạo CSVN chưa bao giờ ý thức được nhu cầu cấp thiết này của dân tộc cả.
Trong những năm đầu sau khi chiếm được miền Nam, tập đoàn Hà Nội đã đối xử với nhân dân miền Nam còn tệ ác hơn là Mỹ đối với Irak sau khi chiếm được Bagdad. Hàng triệu người dân bất mãn chế độ đã vượt biển tìm tự do. Biết bao nhiêu người bị bắt lại, nằm tù vì tội bỏ nước ra đi hoặc bị công an bán đứng, cướp vàng cướp của trong những chuyến tổ chức vượt biên ma. Trong thập niên đầu sau 1975, thuyền nhân VN là những kẻ phản bội tổ quốc, đáng trừng trị.
Sau vài thập niên ăn nên làm ra ở hải ngoại, năm 2003 vừa qua người Việt ở nước ngoài đã gởi tiền về nuôi thân nhân, gia đình hay đầu tư trong nước lên đến 2,6 tỉ USD, tương đương với một phần ba ngân sách của cả chế độ CSVN để nuôi hơn 7 triệu người, từ cán bộ, công chức, nghỉ hưu, binh lính, v. V. Đây là lí do đích thực của việc gió thổi xoay chiều 180 độ này. 2,8 triệu kiều bào hải ngoại là 2,8 triệu con bò sữa béo tốt của chế độ. Những kẻ phản bội tổ quốc trước đây 10, 20 năm, nay đã trở thành những „khúc ruột ngàn dặm“ -những „khúc ruột“ dễ chiêu dụ bằng những bài như „Quê hương là chùm khế ngọt„… Mấy trăm ngàn Việt kiều về nhà ăn Tết Giáp Thân vừa qua đã được trải thảm đỏ đón tiếp, đưa lên VTV4 chiếu đi chiếu lại ra hải ngoại để kích động thêm những kẻ còn chần chừ.
Guồng máy tuyên truyền của Hà Nội đã không ngớt hô hào cho việc „khép lại quá khứ lịch sử“ và „xoá bò hận thù“. Tuy nhiên, những cụm từ xí xoá ra vẻ cao thượng này đã không cản trở những kẻ thốt ra chúng, đi đào xới và san bằng một cách có hệ thống các nghĩa trang quân đội miền Nam, đối xử phân biệt với hàng triệu cựu chiến binh, thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà cũng như con em của họ, giam cầm GS Nguyễn Đình Huy hơn chục năm qua, bắt đi, bắt lại BS Nguyễn Đan Quế, cũng như cầm tù, hành hạ, quản chế, cô lập các Đại lão Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ và cả chục bậc cao tăng khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Những chiêu bài tuyên truyền trên cũng phơi bày tất cả sự trơ trẽn của chúng, nếu chúng ta nhớ lại cho kĩ các bản án dàn dựng bỉ ổi đối với những trí thức trẻ tuổi kiên cường Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình và các bậc đàn anh của họ là Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự,… Và có ai đã quên chưa, các diễn tiến trong đám tang của lão tướng Trần Độ, trong đó cách ứng xử trong tang lễ của tập đoàn CS có thể được đánh giá là cực kì đê tiện và hạ cấp, nhất là đối với một người tiết tháo vừa nằm xuống.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang từ Sài Gòn vừa gửi đến Đại hội Mục sư Tin Lành toàn Thế giới lời cầu cứu cũng như tố cáo nhà nước CSVN đàn áp, khủng bố hơn 4.000 Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam. Linh mục Nguyễn Văn Lý đang bị tù ở Nam Hà vì tố cáo CSVN tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống. Cụ Nguyễn Khoa Liêm và nhiều chức sắc Phật giáo Hoà Hảo, một số vị Linh mục Thiên Chúa giáo đang bị quản chế chặt chẽ ngày đêm. Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương, đang bị giam giữ và không biết bao giờ lãnh án.
Ông Kỳ mới về nước, ngày trước ngày sau đã mạnh miệng bêu riếu những anh chị em tại hải ngoại, những người đã kiên trì đấu tranh cho tự do dân chủ trong 3 thập niên qua, yểm trợ gắn bó cho phong trào dân chủ trong nước. Ông ta đã lên giọng khuyên bảo họ là nên „quên đi quá khứ và hướng về tương lai“. Không biết ông Kỳ có được các bạn CS mới của ông đưa đi xem Viện Bảo tàng về tội ác Mỹ Nguỵ nằm chình ình ở Sài Gòn, với hàng loạt hình ảnh, tên tuổi của những „thế lực phản động hải ngoại“ hay không? Và sau khi xem, ông ta có còn hó hé khuyên bảo gì về quá khứ hay vị lai với các bồ bịch mới của mình hay không?
Nguyễn Bặc
-- 1 nguoi viet xa que huong (mcom57@kmail.com.au), March 12, 2004