Yêu Ghét Nói Sao?

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Yêu Ghét Nói Sao?

Phạm Phú Đức
Ðưa lên lenduong.net
ngày 23/06/2004

Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố cường hào nợ máu
Đã trả trước nông dân...
(Em Bé Lên Sáu Tuổi, thơ Hoàng Cầm, nhạc Phan Văn Hưng)

Đó là hình ảnh của một em bé con "địa chủ" trong 2 năm 1954-1956, khi Đảng Lao Động Việt Nam (ĐCSVN bây giờ) tiến hành cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Mục đích của cuộc cải cách này được những người cộng sản quảng cáo rùm beng là nhằm đánh đổ địa chủ cường hào ác bá, mang lại ruộng đất cho dân cày. Thế rồi sau khi đã giết hại hàng chục vạn người vô tội, cuộc cách mạng "long trời lở đất" ấy đã chẳng mang lại cho người nông dân thước đất nào, bởi vì sau đó họ phải góp ngay những mảnh đất trên giấy mà họ được nhận vào tài sản hợp tác xã, gọi là "sở hữu tập thể". Người nông dân chỉ còn quyền sở hữu những thứ có thật mà đảng cộng sản mang lại: đói nghèo, rách rưới.

Năm mươi năm sau, ta lại gặp những em bé Việt Nam 5, 6 tuổi bị bán sang Cam Bốt làm gái mãi dâm trong chương trình "Children For Sale" của đài truyền hình NBC. Những em bé này khác em bé trong bài thơ của Hoàng Cầm 50 năm về trước ở chỗ các em không phải con cái địa chủ, phú nông hay cường hào, ác bá, mà là con cái của giai cấp nông dân được đảng cộng sản "giải phóng". Nông dân bây giờ đã trở thành giai cấp vô sản mới trong ý nghĩa những người bị bóc lột đến không còn gì để mà mất.

Nỗi đau của em bé 6 tuổi con địa chủ ngày xưa có khác gì với nỗi đau của em bé 6 tuổi con nhà nghèo ngày nay!?

Điều này cho thấy rõ là nhà cầm quyền ở Việt Nam không hề lấy con người làm nền tảng căn bản (nhân bản) để hướng mọi hoạt động xã hội vào việc phục vụ nó, mà chỉ nấp dưới chiêu bài một học thuyết lỗi thời mang hứa hẹn về một thiên đường mai hậu để bóc lột có hệ thống toàn bộ dân chúng bị đặt dưới quyền cai trị của họ.

50 năm trôi qua, nhân loại đã có những bước nhảy vọt về mọi mặt, nhất là về khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn. Dân chúng trong vùng Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á nói chung ngày càng hiểu rằng không thể để cho tương lai của chính mình và con cháu lệ thuộc vào một thành phần thiểu số lãnh đạo độc tài, nhất là khi thiểu số đó lại là những kẻ bất tài, bất lực và bất nhân.

Đau đớn thay, trong vùng ấy, Việt Nam lại là một ngoại lệ. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không chọn con đường xây dựng và canh tân đất nước dựa vào yếu tố dân tộc và rút tỉa những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý giá. Do mù quáng, giới lãnh đạo Đảng Lao Động khi xưa và Đảng Cộng Sản bây giờ vẫn kiên trì chủ trương đưa đất nước vào quỹ đạo cộng sản, nên nửa thế kỷ qua, họ đã vùi dập bao nhiêu thế hệ, làm mất niềm tin và nhân phẩm của hàng bao triệu người. Các sự kiện Cải Cách Ruộng Đất, đánh Nhân Văn Giai Phẩm, kháng chiến "chống Mỹ cứu nước", tập trung cải tạo, đánh tư sản mại bản, làm kinh tế mới, đổi tiền, đưa quân sang Lào, Cam Bốt, chiến tranh biên giới Việt Nam Trung Quốc 1979, các cuộc thanh trừng nội bộ mà điển hình là vụ án xét lại chống Đảng v.v... đã làm cho hàng triệu người Việt Nam đã chết thảm. Hàng triệu nạn nhân của thời cuộc phải bỏ nước ra đi. Ngay bây giờ, số cô dâu Việt Nam vì hoàn cảnh mà phải đi lấy chồng ngoại quốc như Đài Loan, Trung Quốc v.v... cũng lên đến cả trăm ngàn người. Số trẻ em Việt Nam từ 5-6 tuổi đến 14 tuổi bị buôn bán làm mãi dâm thì không dưới mười ngàn em. Ngày xưa, dưới thời Thực Dân Pháp, người dân làm lụng khó khăn để rồi phần chính là phục vụ cho mẫu quốc, thì ngày nay, dưới khẩu hiệu thời thượng Toàn Cầu Hoá, người dân Việt Nam đi làm thuê ở đợ ngay trên đất nước của mình cho các đại công ty Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Úc... hay phải đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Nam Hàn v.v... Nỗi đau khổ kéo dài mãi đến hôm nay, vẫn còn đang tiếp diễn, và chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ chấm dứt sớm.

Khi cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa tan tành và đảng cộng sản buộc phải "đổi mới" để sống sót không còn trung thành với bóng ma cộng sản nữa, thì sự tỉnh ngộ của nó cũng chẳng hề vì quyền lợi đất nước. Bọn cơ hội cách mạng xưng mình là giai cấp vô sản 50 năm về trước nay trở thành tư bản đỏ. Tài sản của họ hơn hẳn tài sản của những người bị gọi là tư sản địa chủ ngày trước, gấp trăm gấp nghìn lần. Một đêm trác táng của họ bằng cả năm dành dụm vất vả của những người vô sản hiện nay. Từ danh nghĩa đấu tranh vì độc lập dân tộc (và chủ nghĩa xã hội!) chống lại thực dân và phát xít dưới lá cờ của giai cấp vô sản, nay họ trở thành những người cai trị đất nước bằng biện pháp hành chánh đi kèm với bạo lực chuyên chế. Nhưng sự thay ngôi đổi vị ở thượng tầng quyền lực không đi kèm với biện pháp cải tổ một xã hội vốn chịu quá nhiều ảnh hưởng của phong kiến và thực dân thành một xã hội công dân nhằm bảo đảm các quyền tự do và bình đẳng để mưu cầu hạnh phúc cho mọi thành viên của nó, thì mọi sự thay đổi ấy chỉ mang lại một hậu quả duy nhất là làm tàn lụi quốc gia và làm thui chột các thế hệ kế tiếp. Thời phong kiến, người ta trông đợi ở một minh quân, còn ngày nay quyền và lợi lại nằm trong tay một thiểu số được gọi là tập thể (tức là chẳng một ai chịu trách nhiệm), thì cái thiểu số sống dựa vào các thế lực ngoại bang sẽ còn trị vì rất lâu để tiếp tục chia chác quyền lợi.

Tại sao lại đẩy dân tộc vào sự tận cùng của đau thương trong suốt 50 năm qua, phá nát không biết bao nhiêu giá trị truyền thống và di sản văn hoá..., để rồi bây giờ quay trở lại (chưa hẳn hoàn toàn vì nước vì dân mà chủ yếu là vì ghế vì quyền) xây dựng những gì chính họ đã phá nát xưa kia?

Máu đã đổ thành sông, xương đã chất thành núi. Vì ai? Cho cái gì? Ông Hồ Chí Minh, "vị cha già dân tộc" nói riêng và ĐCSVN nói chung đã và đang đóng vai trò gì trong những tội ác này? Và giá không có một nhân vật Hồ Chí Minh, không có ĐCSVN, thì liệu đất nước ta có được "độc lập, tự do và hạnh phúc" như hôm nay hay không?

Nếu mất 50 năm để gây đau thương đổ vỡ thì sẽ mất bao lâu để gầy dựng lại niềm tin và tình thương?

Cách đây gần 50 năm, trong thời kỳ bị khủng bố tư tưởng đến tột cùng, vẫn có những con người hiên ngang giữa trời, đối đầu với bạo lực để nói lên một khao khát, dù chỉ là một khát khao vô cùng đơn giản như yêu và ghét.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
(Bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, trích báo Văn số 21 ra ngày 29 tháng 9 năm 1957)

50 năm qua, người ta chỉ được yêu và ghét trong khuôn khổ. Cho nên nhà thơ mới phải lớn tiếng đòi quyền được tự do yêu và ghét.

Con người nô lệ Việt Nam được giải phóng từ một nhà tù nhỏ của chế độ thuộc địa để bước qua một nhà tù xã hội chủ nghĩa lớn hơn. Người dân miền Nam được giải phóng từ chỗ có tự do sang chỗ thiếu hay mất tự do.

Cuộc đấu tranh cho tự do vẫn tiếp diễn vì ở đâu có bất công thì ở đó có đấu tranh.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta hôm nay không phải là cuộc đấu tranh vì một chủ thuyết nào, mà là cuộc đấu tranh của tất cả các thành phần dân tộc dân chủ đang đứng chung với nhau trong một chiến tuyến để đối đầu với một thiểu số cầm quyền bất xứng.

Nhân dân Việt Nam rồi đây sẽ nói to cho mọi người biết họ Yêu ai Ghét ai!

Phạm Phú Đức

Melbourne 30/5/2004

Tham khảo:

1) Hoàng Văn Chí. "Từ Thực Dân Đến Cộng Sản". Dịch từ nguyên bản tiếng Anh "From Colonialism to Communism". Bản dịch của Mạc Định.

2) Hoàng Văn Đào. "Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại. 1927-1954". Tái bản lần thứ 3 do EM Viet phát hành.

3) Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá. "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc". Xuất bản lần thứ nhất năm 1959 tại Sài Gòn.

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), June 30, 2004

Answers

Response to YĂªu GhĂ©t NĂ³i Sao?







-- Nong bi dai' (vietnamcongsan@yahoo.com), June 30, 2004.

Moderation questions? read the FAQ