Sound On PLS!!! Desperado:::Carlos & Santana:::Bella:::Việt Kiều và mùa Xuân ở Sài Gòn:::Van Quang

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Việt Kiều và mùa Xuân ở Sài Gòn



Sổ Tay Thường Dân trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch vừa qua đã có khá nhiều Việt kiều về thăm quê hương, nhưng trong số đó, phần đông là những người có gia đình, thân nhân, bạn bè còn ở lại Việt Nam hơn là đi du lịch, dù đó cũng là một mục đích trong chuyến đi. Không khí mùa xuân Sài Gòn đã bắt đầu ngay từ những ngày tháng này.

Như tôi đã có dịp thưa với bạn đọc, tôi cũng đã được gặp lại "cố nhân" và những đứa con tôi sau 27 năm xa cách. Nỗi niềm xúc động ấy chẳng nói ra thì ai cũng biết nó là kỷ niệm cho cả một đời người. Nhưng ở đây tôi không kể về những chuyện riêng tư mà chỉ xin trích dẫn những sự kiện có tính cách chung nhất của hầu hết những bà con từ nước ngoài trở lại VN trong những ngày tháng vừa qua. Đôi khi đó chỉ là những chuyện lẩm cẩm đúng nghĩa nhất nhưng cũng có thể lại mang nhiều ý nghĩa nhất.

MỘT KINH NGHIỆM THÚ VỊ CHO CÁC BẠN VIỆT KIỀU

Buổi trưa hôm đó, sau khi đã ăn một bữa cơm "thuần túy quê mùa VN" trong cái quán "cơm niêu cơm đập" đông như hội, bố con tôi đi thăm thú Sài Gòn. Những đứa con tôi, sinh đẻ ở Sài Gòn nhưng... chưa hề biết Sài Gòn nó là như thế nào. Chiếc taxi 7 chỗ ngồi dừng lại trước cửa Givral, tức là ngay đầu đường Lê Lợi. Cũng may mà cái tên vị anh hùng này còn sống sót sau ngày 30.4.75 nên cũng dễ gọi. Dãy phố đông đúc đang vào mùa Giáng Sinh nên rực rỡ đèn hoa. Tôi cũng lấy làm "hãnh diện" chút đỉnh vì cái vẻ "văn minh sạch đẹp" của nó. Dọc con đường từ đó đến chợ Bến Thành, tiệm buôn san sát đủ các thứ linh tinh. Có thể nói bạn muốn mua gì ở đây cũng có. Kể cả mua phim sex, sách vở, tranh ảnh lảm nhảm. Tranh "nhái" của những danh họa nổi tiếng thế giới cho đến một món đồ kỷ niệm rất nhỏ và rất VN. Có những bức tượng thiếu nữ rất tinh xảo bên cạnh những bức rất vụng về. Giá cả thì trên trời dưới đất, chẳng có tiêu chuẩn nào bởi hàng hóa ở đây cũng không có tiêu chuẩn. Thuận mua vừa bán, có thế thôi. Cùng một món hàng, có người mua 20 đô la, có người mua chỉ trăm ngàn tiền Việt.

Chúng tôi gồm có hai cậu con trai, và một cô con gái mang theo cả vợ chồng về VN lần đầu tiên trong đời và có mẹ đi kèm để làm nhiệm vụ... thông dịch. Gặp thứ nào chúng cũng muốn mua. Nghe chúng "xổ" tiếng Mỹ, tức khắc giá cả vọt lên "đột biến", nhưng khi mẹ chúng "xổ" tiếng Việt thì mấy chị bán hàng tỏ vẻ không vui. Có lần bà đã bị mấy chị bán hàng ở chợ Bến Thành "mắng xối xả" vì xen vào việc Việt kiều trả giá một món hàng, cứ như sắp bị đánh đến nơi. Mấy mẹ con bỏ đi thẳng một lèo không dám ngoái cổ lại. Từ đó mấy mẹ con "chào thua" chợ Bến Thành, không dám bước chân lại lần thứ hai.

Đi được một "tua", cô con gái tôi và cô con dâu bỗng chúi vào nhau thì thào điều gì đó rồi cất tiếng cười, thoáng một vẻ mắc cỡ. Tôi hỏi chuyện gì, cả hai chỉ lắc đầu. Tôi cứ nghĩ rằng chẳng lẽ chỉ có mỗi câu tôi hỏi mà chúng không hiểu sao? Mấy lần tôi hỏi như thế chúng đều hiểu mà. Khi mẹ chúng hỏi, chúng mới ghé tai nói nhỏ. Mẹ chúng cười nhìn tôi:

- Có toilet ở gần đây không ?

Câu hỏi làm tôi bí, nhìn ngơ ngáo mà chẳng thấy được chỗ nào có cái nhà vệ sinh. Nếu là con trai thì tôi dám tìm cái bờ tường nào vắng vẻ để "giải quyết hậu quả". Cái kiểu này thì dân lao động hoặc mấy cậu trai vẫn làm ẩu. Nhưng chúng lại là con gái nên không thể làm như thế được. Cuối cùng tôi cũng... "thông minh" lắm mới tìm ra một cách rất thuận tiện. Nhìn thấy một tiệm ăn gần đó, tôi vẫy con gái đi theo. Nó ngơ ngác vì chúng tôi vừa ăn xong vào tiệm ăn làm gì. Nhưng chỉ vài giây sau là nó hiểu ngay. Tôi đưa nó ung dung đi thẳng vào phía toilet. Gặp anh bồi bàn cản tôi lại:

- Ông đi đâu ?
- Tôi muốn xem thực đơn để đặt một bữa tiệc.
Anh bồi bàn chỉ tay về phía comptoir:
- Đi lối này.

Trong khi đó con gái tôi đi vào phía trong, một anh bồi bàn khác cũng chặn hỏi, nhưng khi nó xổ tiếng Mỹ, anh bồi nhìn nó và biết là dân ở nước ngoài về, anh ta chỉ ngay đường đến toilet mà không cần biết có phải là khách của nhà hàng mình hay không. Tôi phải mất năm phút để "đóng kịch" xem cái menu của nhà hàng và hẹn khi khác sẽ trở lại. Quay ra, chúng tôi có một kết luận khá lý thú là "dân ở nước ngoài ngoài về muốn đi tè thì cứ vào tiệm ăn". Đó chẳng phải là một kinh nghiệm quý báu sao? Chỉ khi nào bạn cảm thấy "nhu cầu" đó là cấp bách, bạn mới thấy nó cũng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày lắm đấy chứ.

Và cũng mong rằng những người có trách nhiệm cố gắng tìm ra một biện pháp nào đó cho thành phố "văn minh sạch đẹp" hơn. Nếu cứ để như bây giờ, có lắm khu phố vắng cứ khai um, nhất là vào những buổi trưa, nắng càng vàng thì càng... khó thở.

Ở một vài nơi hiện nay cũng đã có những nhà vệ sinh công cộng phải trả tiền. Thường là 500 đồng cho một lần "đi nhẹ" và 1.000 đồng cho một lần "đi nặng".

Nhưng làm thế nào để phân biệt "tiểu" hay "đại" quả là một điều khó khăn, chẳng lẽ cứ phải đứng canh? Có lần, một ông đi "tiểu" nhưng đi hơi lâu nên chỉ trả có 500 đồng, liền bị những người bán vé "lườm" bằng ánh mắt nghi ngờ rất khó chịu. Chi bằng cứ làm hai dãy nhà, mỗi dãy dùng vào một nhu cầu riêng cho đỡ lộn xộn. Đó cũng là một cách kiếm tiền không mấy vất vả cho sở vệ sinh thành phố. Kiếm tiền cách này chả mấy lúc mà thành phố ta giàu cũng nên.

ĐẾN CHUYỆN XE CỘ

Ở Sài Gòn hiện nay có hai loại taxi, loại 7 chỗ và loại 4 chỗ. Xe mới toanh và xe cũ thì lẫn lộn, xe dù xe hãng cũng loạn xạ, hãng này hãng kia cũng lung tung. Giá cả chẳng bao giờ giống nhau. Cùng một đoạn đường đi hôm nay hai chục, ngày mai ba chục, hãng này hơn kém hãng kia khá nhiều. Đấy là không kể những hôm kẹt đường thì sự khác biệt là lẽ thường, nhưng ngay cả những đoạn đường không kẹt cũng khác nhau. Nhất là vào những buổi tối, giá lên vùn vụt, chẳng còn biết thế nào mà tính toán.

Một hai năm trước, tôi còn thấy vài ông Việt kiều ngồi xe ôm. Nhưng đến năm nay thì hầu như không còn ông bà Việt kiều nào có can đảm ngồi lên chiếc xe ôm nữa. Chung quy chỉ mấy anh xe ôm đói dài. Đường sá Sài Gòn bây giờ "ghê gớm" quá. Xe nhiều như mắc cửi, bất kỳ lúc nào, giờ nào, không cần đợi đến giờ "cao điểm" cũng chật như nêm và vì bất kỳ cái gì cũng có thể kẹt đường ngay tức khắc. Lại còn nạn đào đường, dịp này thành phố "nở rộ" lên cái "thiên tai đào đường". Đào bới lung tung, đầu phố cuối phố, đường lớn đường nhỏ cũng đều bị đào, hết đào lại xới, hết đường chính đến đường phụ. Thậm chí con đường vào chung cư Nguyễn Thiện Thuật của tôi, từ xưa được ví như đường bàn cờ, có thể đi thông ra cả bốn ngả đường, nguyên hai tháng vừa qua cũng kẹt cứng, mấy bác tài xế xe hơi cứ loanh quanh, chẳng còn biết vào bằng đường nào. Chúng tôi kêu một cái taxi, chẳng anh tài nào dám mò vào. Kết luận là cứ ngồi đó mà đợi dài người. Taxi ở Sài Gòn, có khi gọi một cái thì ba bốn cái lao đến, có khi đợi hoài mà chẳng biết có xe nào đến hay không. Khách có gọi tổng đài taxi thì cũng chẳng làm gì hơn được. Một cách nào đó cần phải thông tin cho khách biết họ có xe hay không. Đó là điều cần thiết. Bến bãi thì hoàn toàn kể như không có, sự phân công giữa các hãng xe và tài xế cũng không có, mạnh anh nào anh ấy kiếm ăn. Còn khách bộ hành, muốn đón taxi thì cứ đứng đường mà đợi. Gặp hôm trời mưa, vào đúng giờ tan sở, tha hồ mà ngoắc.

Cái cảnh đào đường đang hành hạ người dân thành phố, đó là cuộc hành hạ hàng loạt, làm khổ người dân không ít và làm khách du lịch nản lòng vì những phiền toái, bụi đất mù mịt, cấm đường cản lối càng gây ra những cảnh "thắt cổ chai", cảnh sát giao thông dù có tích cực cách mấy cũng chẳng làm gì hơn được. Nhu cầu của thành phố là phải đào đường để chống ngập và phải làm trong nùa nắng, tránh mùa mưa, có lẽ vì thế nên ông Giao thông - Công chánh "cố đấm ăn xôi", chịu cho dân chửi, dân khổ, nhưng giải quyết được vấn đề ngập lụt. Dường như có rất nhiều những kế hoạch trong thời kỳ "quá độ" này là như thế.

RỒI ĐẾN NHỮNG CON ĐƯỜNG

Vì lẽ đó, năm nay nhiều khách Việt kiều có thân nhân ở trong nước thường có mối xe riêng. Đi gần hay đi xa, mỗi người có sẵn số điện thoại di động của một anh taxi quen nào đó. Đi như thế vừa bảo đảm an ninh, dù là đi ngày hay đi đêm, trong thành phố hay ra ngoại ô, vừa chắc chắn không bị "ăn gian" lại có thể được hướng dẫn đến những nơi chốn quen biết khó tìm địa chỉ. Ở Sài Gòn bây giờ có rất nhiều con đường trùng tên, số nhà thì nhảy lộn xộn, đang từ số 5 số 7 nhảy sang số 108 hoặc 1.050, nếu không quen đi tìm hụt hơi cũng chẳng thấy. Lại còn những con đường, mỗi đoạn mang một tên, cho nên nó được hân hạnh mang đến ba bốn cái tên của những vị anh hùng, có những cái tên chẳng ai biết vị anh hùng đó lai lịch ra sao. Chúng tôi đã từng mỏi chân đi tìm địa chỉ của một người bà con trong họ mất cả hơn một giờ đồng hồ mới tìm được đến nơi. Đấy là không kể những "nhà trùng phố số, phố cùng tên".

Ở đây cần phải nói đến trách nhiệm của những người trông coi về trật tự của một thành phố lớn và phức tạp như hiện nay. Nó phát triển ồ ạt theo kiểu luật rừng. Đến nay các vị ấy như đã "hết hơi", khả năng chỉ được có đến thế, không thể làm hơn được, thuê mướn đến mấy ông chuyên gia nước ngoài về "vẽ đường cho hươu chạy" thì lại không quen, không biết gì về cấu trúc của VN nên vẽ đường cho hươu chạy bậy. Chẳng thiếu gì những con đường phá đi làm lại rồi lại làm lại phá đi.

Bây giờ cách duy nhất vừa được "sáng tạo" ra là hạn chế xe gắn máy. Nhưng hạn chế xe gắn máy rồi người dân đi làm bằng gì? Lội bộ từ trong xóm ra, chờ xe buýt, leo lên xe đứng chật như nêm, ai mà chịu nổi. Đưa con đi học rồi đến chỗ làm, có mà hết ngày. Chiều về, bố một giờ, con một giờ... có hàng trăm chuyện phiền toái. Càng nhiều xe buýt càng kẹt đường, càng gây nhiều tai nạn.

Cái kết luận cuối cùng vẫn là bao giờ có đủ phương tiện công cộng như xe điện, xe buýt đủ tiện nghi, đường sá mở rộng thênh thang thì lúc đó mới nên nghĩ đến chuyện hạn chế phương tiện xe gắn máy. Ai cũng biết lúc này xe gắn máy là cái chân của 90% người dân, cái cần câu cơm của hầu hết những người dân lao động dù là dân định cư lâu đời hay nhập cư. Hà Nội và Sài Gòn đều cần phải nghĩ lại về cái sự hạn chế này.



-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), February 18, 2005

Answers

Response to Sound On PLS!!! Desperado:::Carlos & Santana:::Bella:::Việt Kiều và mùa Xuân ở Sài Gòn:::Van Quang

HẠ LONG VÀ NHA TRANG

Một bà bạn tôi sau hơn 30 năm mới trở lại thăm Sài Gòn, bà có vẻ thích thú trong cái sự lạ lẫm về những nơi chốn cũ không còn nhận ra được nữa. Dĩ nhiên bây giờ nó được xây cất đẹp đẽ hơn, nhà cửa san sát, phố xá sáng rực. Có một chút ngậm ngùi nào đó, nhưng niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Mừng cho cuộc sống của người dân Sài Gòn bây giờ khá hơn. Có lẽ trong óc tưởng tượng của bà Sài Gòn có đẹp hơn, lớn hơn, nhưng không như những gì bà đang nhìn thấy hôm nay. Vâng, tất nhiên, đó là cái nhìn của hơn ba mươi năm sau và dù sao thì nó cũng chỉ là cái mặt nổi, bà chưa có thì giờ và không có thì giờ đi sâu hơn vào những nơi khác.

Bà đi Hạ Long, Sa Pa và tất nhiên không quên ghé thăm Hà Nội. Bà hài lòng vì Hạ Long lúc này đẹp tuyệt. Những đứa con tôi cũng khen khung cảnh thiên nhiên của Hạ Long trời cho và việc xây dựng hạ tầng với những tiện nghi khá đầy đủ phục vụ du khách. Tất nhiên giá cả thì hơi đắt nên chúng chỉ ở có một đêm rồi vội phóng về Hà Nội. Chúng hơi tiếc vì thời gian quá ngắn. Chúng hẹn tôi lần sau sẽ cùng đi Hạ Long và ở lâu hơn. Tôi cười khoe với chúng:

- Hạ Long thì bố thuộc như lòng bàn tay. Nửa thế kỷ trước, vào đầu năm 1954, bố đã ở ngoài đó hai tháng.
Những đứa con trố mắt nhìn nghi ngờ, tưởng tôi nói dóc chơi cho vui. Nhưng tôi giải thích:
- Hồi đó bố và các bác Hùng Sùi, Mai Hắc Lào... học một "stage commandos" ở trường Bãi Cháy. Còn đại đội bác Ngọc Chả cá thì học ở Đồ Sơn. Không ngày nào mà bố không được ca-nô đưa ra biển, đi khắp các hòn đảo lớn nhỏ, chui vào các hang hốc, leo khá nhiều ngọn núi với chỉ một cái dây thừng. Bãi Cháy hay còn gọi là Vật Cháy chính là trường bố đã học. Hồi đó chỉ có núi và đồi, không có nhà dân. Cái ấn tượng còn in sâu trong lòng những anh sinh viên sĩ quan là chiếc cầu khỉ cao 83m, dài có 70m, đã từng làm chết gần một trung đội trong những khóa trước. Đi một lần cầu khỉ Bãi Cháy rồi dường như từ đó bố có can đảm thêm để đi tiếp trên con đường của mình.

Các con tôi thú vị ra mặt, không ngờ ông bố khẳng khiu của mình lại "gan" đến thế. Tôi không dám dùng hai chữ "anh hùng" mặc dầu có lẽ trong đầu chúng cũng có đứa nghĩ như thế. Vả lại bây giờ người ta lạm dụng quá nhiều hai cái tiếng ấy nên đôi khi chỉ thấy buồn cười hơn là kính phục.

Trong khi tôi ngậm ngùi nhớ đến những người bạn một thời của tôi, giờ này xung quanh hầu như không còn ai cả. Có những người bạn tử trận ngay từ những ngày đầu mới ra trường như Trí Ngủ. Người bạn được tặng cái biệt danh Trí "ngủ" này có một "huyền thoại" khá ly kỳ, tôi kể lại cho các con tôi nghe: Một bữa trung đội tôi đi tập ở trường bắn về, anh nào cũng đói méo mặt. Đến lúc tập hợp đi lên phòng ăn, thiếu mất một người. Trung đội về đến phòng còn đủ 36 người mà bây giờ chỉ còn 35, điểm số mấy lần cũng thế thôi. Anh em được lệnh giải tán đi tìm, tìm cả trong cầu tiêu, bờ bụi quanh đó vẫn không thấy. Mãi một lúc sau, một anh mở cái kẹt cửa ra vào, thấy Trí nằm ở đó ngủ ngon lành, đánh thức mãi mới chịu dậy. Từ đó Trí được gọi là Trí "ngủ". Ra trường được vài tháng thì tôi nghe tin Trí tử trận.

Có một nơi các con tôi cũng rất thích đó là Nha Trang với những chuyến đi thăm các hòn đảo nhỏ rất dân dã, nhất là mục đi thuyền thúng. "Chẳng may cho chúng"... tôi cũng lại ở Nha Trang đến 2 năm vào những năm 1954- 1955 nên cũng chẳng còn xa lạ gì với tôi và tôi cũng đã có khá nhiều kỷ niệm với cái thành phố biển hồi đó còn nghèo nàn nhưng rất thanh tĩnh ấy. Các con tôi cũng đã có những kỷ niệm với cả hai nơi mà tôi đã sống. Lúc này chúng tôi mới thấy thật sự gần gụi nhau hơn sau những năm tháng xa cách. Cái tâm hồn VN nó bám vào cơ thể con người VN dù bây giờ các con tôi đã đi xa.

YÊU HÀ NỘI VÀ SỢ HÀ NỘI

Bà bạn tôi, là một người Hà Nội chính cống từ thời còn chưa đủ tuổi là một thiếu nữ. Bà vẫn mang trong lòng một tình yêu Hà Nội sâu sắc. Hơn 30 năm mới trở lại, tôi chắc bà hối hả vui mừng lắm. Bà đã từng có nhiều năm sống ở Sài Gòn, bà đã được trở lại và đã ngắm nhìn nó thay hình đổi dạng. Tôi nghĩ khi bà trở lại Hà Nội, bà sẽ có tâm trạng bồi hồi và thú vị hơn vì xa Hà Nội lâu hơn Sài Gòn nhiều và kỷ niệm của một thời thơ ấu bao giờ cũng hấp dẫn, thắm đượm... mùi sữa và tiếng cười. Từng góc phố, từng con đường sẽ nhắc nhớ bà tới những chuyện trẻ thơ và những ước nguyện có thể là vớ vẩn đầu đời... Nhưng những góc phố và những con đường Hà Nội bây giờ không thể nào cho bà một dấu vết nào nữa. Trừ phi bà đứng đó mường tượng ra con phố ngày xưa của mình. Là tôi nghĩ thế nhưng dĩ nhiên tôi không nói ra để làm tổn hại đến niềm háo hức của một người đi tìm lại hình bóng tuổi thơ của mình.

Một tuần sau, khi tôi được điện thoại từ giã VN của bà thì giọng "người Hà Nội xưa" sụt sịt đang bị cảm. Tôi hỏi ngay:

- Hà Nội của bà thế nào ?
- Tôi đang phát ốm vì Hà Nội của các ông đây. Bụi khói, ô nhiễm, trời ơi... chịu hết nổi. Nhất là xe thì quá nhiều, quá sức chen chúc chật chội làm tôi phát sợ. Sài Gòn còn chịu được chứ Hà Nội thì...

Bà bỏ lửng câu nói ở đấy. Tôi nghĩ tình yêu Hà Nội của bà đến bây giờ có lẽ đã vơi đi quá nhiều rồi.

Chúng tôi vui vẻ chia tay và hẹn ngày tái ngộ, nhưng ngày ấy là bao giờ thì chưa biết. Tình cảm của những người Việt xa xứ mà tôi nhận được trong dịp cuối năm nay là như thế. Giản dị nhưng đằm thắm.

MỘT NGƯỜI ĐI THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

Sau khi những đứa con tôi trở lại Mỹ, bỏ lại phía sau những kỷ niệm để tiếp tục sống cuộc sống của mình mà thời thế đã tạo nên cho nó, tôi cảm thấy bơ vơ. Vội chui lên căn nhà vườn "nhà không số phố không tên" của mình ở Lộc Ninh. Muốn đến Lộc Ninh phải đi qua thị trấn Bình Long và Lộc Ninh cũng là một cánh của chiến trường Bình Long ác liệt nhất trong giai đoạn cuối của cuộc chiến 75.

Hai ngày sau, vợ chồng một người em ở San Jose và một cô cháu sống lâu năm ở Canada lại về tận nơi thăm. Khu vườn của tôi còn hoang sơ lắm. Nhiều thứ cây cối đã tàn lụi phải trồng lại, nhất là vườn tiêu thì đã phá đi một nửa, mà chưa thể trồng lại được thứ gì. Trong số đó có Phước, một anh chàng cựu chiến binh của Bình Long đến phút cuối cùng. Người chiến binh ấy, thực tâm cũng muốn thăm lại "chiến trường xưa". Có lẽ anh ta muốn người vợ của mình cũng được nhìn lại những dấu tích chiến tranh một thời binh lửa mà Phước đã trải qua gần 30 năm về trước. Nhưng bây giờ không còn vết tích gì nữa cả. Ngồi tìm lại hình ảnh cũ, người chiến binh âm thầm nhắc lại với tôi:

- Em còn nhớ rất rõ những giây phút cuối cùng với những báo cáo khẩn cấp về tình hình chiến sự của chiến trường Bình Long. Em cứ ngỡ rằng... chẳng bao giờ có một ngày trở lại đây như ngày hôm nay.

Tôi có cảm tưởng từ trong đáy sâu tâm hồn của người "cựu chiến binh Bình Long" ấy đang thấy lại toàn bộ cảnh chiến trường xưa mịt mù lửa đạn và những người bạn đã nằm xuống vĩnh viễn ở nơi này. Đôi mắt của người chiến binh ấy nay đã mờ nhưng vẫn dõi vào chốn rừng cây xa xăm... Có thể Phước đang gọi tên từng người bạn đã cùng tham gia chiến trận ở đây. Tôi hiểu đó là thứ tình nghĩa sâu thăm thẳm không bao giờ nói thành lời. Anh ta đang thầm thì những gì với những người đồng đội của mình, tôi không biết, nhưng tôi cảm nhận được nỗi bùi ngùi lặng lẽ như chết chóc đó. Chúng tôi hiểu nhau trong cái tĩnh lặng của núi rừng mà ở thành phố không bao giờ chúng tôi có được.

CÚM GÀ VÀ VIỆT KIỀU

Chúng tôi ngồi ăn ngay tại ngoài hàng hiên nhìn ra khu đất trống hoác, đất đỏ phủ đầy và chiếc ao mới đào, nước còn ngầu đục. Bữa cơm đãi khách có vài món cây nhà lá vườn giản dị. Có con gà luộc vàng ươm, cắt vài cái lá chanh nhỏ như sợi tăm cho nó ra vẻ quê mùa xứ Bắc. Nhưng mấy người em và cô cháu tôi không dám ăn thịt gà. Cô em tôi nói thẳng:

- Từ ngày về VN đến giờ chúng em "kỵ" thịt gà.

Tôi tán tụng: "Đây là thứ gà đồng chạy bộ, ở Mỹ khó mà có được. Dù có, cũng thua xa gà Lộc Ninh. Thứ gà ở đây là loại gà đặc biệt, nửa là gà rừng nửa là gà ta. Đêm nó ngủ trên cây chứ không bao giờ chịu chui vào chuồng. Ngày nó đi kiếm ăn khắp nơi, tối lại về cây nhà mình ngủ. Muốn bắt nó phải nhằm vào đúng thời điểm "quáng gà" tức là lúc trời nhá nhem tối". Nhưng các vị thực khách Việt kiều của tôi vẫn chê, chưa dám gắp miếng nào.

Cho đến khi tôi chỉ cái chuồng gà nhà tôi được nuôi rất kỹ, quanh chuồng và ngay cả trên chuồng có dăng tấm lưới, gà hoặc bất cứ bày chim di cư nào cũng không thể ra vô được. Vì thế nên bảo đảm không có cúm gà. Từ lúc đó thực khách mới dám đụng đũa và chỉ một lát sau con gà "bay" hết tiêu luôn. Cô em tôi thú thật: Từ ngày về VN đến hôm nay tụi em mới dám ăn thịt gà đấy. Có lẽ hầu hết bà con Việt kiều về VN lần này cũng như thế cả.

Nhất là mới vài hôm nay, cái tin một cô bé ở Tây Ninh lây bệnh cùm gà H5 được xác nhận thì ngay cả người dân như chúng tôi cũng lo ngay ngáy. Nhưng dù sao cũng hy vọng mùa xuân này cúm gà sẽ không có cơ hội phát tác ở VN.

BA BỨC ẢNH NGHỆ THUẬT LÀM QUÀ ĐẦU NĂM

Trong dịp này, những người bạn Việt kiều của tôi cũng rất hào hứng khi thấy tôi nhận được ba bức ảnh của cụ Mạnh Đan và ông bạn Phạm Văn An gửi cho. Đó là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được nhân dịp lễ Giáng Sinh và Mừng Năm Mới. Cụ Mạnh Đan là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng chắc các bạn đã biết, anh Phạm Văn An là "đệ tử chân truyền" của cụ. Tuy đã ngoài 80, nhưng cuối năm 2004, hai thầy trò vẫn cùng nhau đi khắp mọi miền chỉ để chụp ảnh. Một bức ảnh lớn khiến mọi người trầm trồ ca ngợi đó là bức "Gió đừng rung cây". Bức thứ hai là "Quê tôi" cũng của cụ Mạnh Đan. Bức thứ ba "Đường ta đi" của Phạm Văn An. Với ý nghĩ, những gì thuộc về nghệ thuật thì mọi người đều mong được thưởng thức nên tôi xin gửi đến bạn đọc để cùng chia sẻ những bức ảnh đẹp của quê hương. Cụ Mạnh Đan nói với tôi về bức ảnh "Gió đừng rung cây" rằng:

- Cả đời tôi mới chụp được một bức ảnh như thế này. Không phải ai cũng có cơ hội chụp được và không phải lúc nào cũng có thể chụp được. Có những khoảnh khắc bất chợt, người ta may mắn lắm mới bắt được nó.

Tôi hiểu cơn lốc xoáy đã dành cho cụ, một chuyên gia hàng đầu về ảnh đen trắng nhưng lại có một tấm ảnh màu như thế này quả là món quà trời đất đã dành riêng cho cụ. Tôi nói để tôi làm khung, nhưng cụ nhất định không chịu, đòi tự mình làm khung cho tôi. Tôi đề nghị cụ để nguyên câu "Đố ai quyét sạch lá rừng/ Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây" cho nó... ca dao hơn. Cụ chỉ cười: "Tùy anh đấy". Và, bây giờ thì tôi để "tùy độc giả".

Những người thân của tôi đã trở về Mỹ, nhưng lại có một số bạn bè báo tin đang sắp trở lại VN. Người đi chơi Tết Tây, người về quê "ăn Tết ta". Chính nhờ cái không khí rộn ràng ấy mà mùa xuân đang dâng ngập trong lòng mọi người ở quê nhà.

Tôi viết bài này đúng vào ngày bắt đầu năm mới 2005. Tôi xin được gửi đến bạn đọc cùng các thân hữu lời cầu chúc An Khang Thịnh Vượng

Văn Quang



-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), February 18, 2005.

Response to Sound On PLS!!! Desperado:::Carlos & Santana:::Bella:::Việt Kiều và mùa Xuân ở Sài Gòn:::Van Quang

Bác KSBH posted bay rất hay cám ơn. Đường Lê Lợi bây giờ co thêm nhiều building. Sài Gòn bây giờ đẹp hơn năm 1975.

Riêng Hà Nội thì vẫn còn chật hẹp, và sô bồ có lẽ thành phốc cần phải xây dựng lại ở khu đất mới, đất châu thổ Hồng Hà người đông nên chật hẹp khó phát triển như ở Miền Nam.

Vùng biên giỚi Miên vẫn như thế không thay đổi mấy, bom, mìn vẫn còn

-- (Sau Bi Da @ SaiGenh.Net), February 18, 2005.


Response to Sound On PLS!!! Desperado:::Carlos & Santana:::Bella:::Việt Kiều và mùa Xuân ở Sài Gòn:::Van Quang

NHỜ ƠN CHÓ VÀ ĐẢNG, HÀNG NGÀN TRẺ THƠ VÀ PHỤ NỮ VN ĐÃ ĐƯỢC XUẤT CẢNG

RA NƯỚC NGOÀI ĐỂ LÀM NÔ LỆ TÌNH DỤC CHO BỌN NGOẠI BANG

-- bo bo (mystyle@fyi2me.com), February 18, 2005.


Moderation questions? read the FAQ